Thứ tư, 16/12/2020 | 12:00 AM

Giữ thương hiệu, nâng chất lượng đào tạo

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố trong tháng 2/2018, hai điểm mới có khả năng tác động lớn đến việc tuyển sinh của các cơ sở đào tạo ĐH là tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng và nâng cao chất lượng đầu vào nhóm ngành sư phạm.

Thí sinh nộp hồ sơ nhập học vào Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế trong kỳ tuyển sinh 2017

Không hạ điểm thấp để có thí sinh

Kỳ tuyển sinh 2018, nếu Bộ GD&ĐT giao các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thì đây là lần đầu tiên các cơ sở đào tạo ĐH trên toàn quốc tự xác định điểm sàn cho các ngành. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về nguy cơ hạ điểm để đủ chỉ tiêu. PGS. TS. Huỳnh Văn Chương khẳng định, phải đợi đến khi các quy định mới chính thức được áp dụng, Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế mới họp để thống nhất phương án. Song, chủ trương của ĐH Huế đã xác định từ sớm là tập trung đẩy mạnh thương hiệu, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với việc làm sau khi tốt nghiệp mới là vấn đề quan trọng và mang tính chiến lược.

ĐH Huế cũng sẵn sàng các phương án, trong đó, nếu được giao xác định ngưỡng điểm đầu vào thì sẽ quy định mức điểm sàn cho từng ngành và nhóm ngành, trong đó sẽ đưa ra mức điểm sàn phù hợp theo hướng nâng điểm đầu vào của các ngành mũi nhọn, ngành đang có thế mạnh và có nhu cầu đầu vào cao để tạo ra được sự cạnh tranh cao cho thí sinh, qua đó tạo ra thương hiệu của ĐH Huế và các trường thành viên. Với những ngành khó tuyển, quan điểm của ĐH Huế là không tuyển sinh bằng mọi giá.

“Chúng tôi đang nghiên cứu đề án tái cấu trúc lại ngành nghề, chủ trương đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho phép. Sau kỳ tuyển sinh 2018, ĐH Huế sẽ đánh giá lại các ngành nghề và nhu cầu xã hội một cách đầy đủ và mang tính chiến lược, bền vững lâu dài, có những ngành trọng điểm và mang tính thương hiệu cho mỗi nhóm ngành. Với những ngành khó tuyển những năm qua, nếu tiếp tục không thể thu hút thí sinh năm 2018 và theo quy định của Bộ GD&ĐT ba năm không tuyển được, ĐH Huế sẽ có phương án ghép ngành hoặc tạm dừng tuyển. Nói điều này để khẳng định, sẽ không lấy điểm thấp để tuyển sinh bằng được thí sinh”, ông Chương nhấn mạnh.

Theo một đại diện Ban Tư vấn, quảng bá tuyển sinh ĐH Huế, chỉ tiêu tuyển sinh cũng được minh bạch, xác định dựa trên đội ngũ giảng viên/tổng số sinh viên, trong đó mỗi cán bộ chỉ đứng tên trên một ngành cùng các yếu tố về cơ sở vật chất, tỷ lệ sinh viên có việc làm và mức học phí. Khi xác định ngưỡng điểm đầu vào, ĐH Huế sẽ cân nhắc để đưa ra mức điểm phù hợp ở tất cả các ngành, kể cả khi ngành đó chưa đủ chỉ tiêu cũng không đưa ra mức điểm quá thấp. “Giao tự chủ nhưng Bộ GD&ĐT sẽ có quá trình hậu kiểm, ngoài ra truyền thông và dư luận xã hội cũng theo dõi rất kỹ nên không thể đưa ra mức điểm thấp để "vét" thí sinh”, đại diện Ban Tư vấn, quảng bá tuyển sinh ĐH Huế nói.

Thí sinh nộp hồ sơ nhập học vào Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế trong kỳ tuyển sinh 2017

Tìm giải pháp cho các ngành sư phạm

Một vấn đề nữa có trong dự thảo là Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên các trình độ ĐH, cao đẳng và trung cấp. Với các trường xét tuyển dựa trên điểm thi trung học phổ thông quốc gia, ngưỡng điểm này được Bộ xác định căn cứ kết quả của kỳ thi. Bộ cũng “siết” chặt đầu vào sư phạm bằng cách đưa ra các tiêu chí xét tuyển khắt khe hơn, theo đó, trường đào tạo sư phạm xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH là học sinh xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Theo các chuyên gia giáo dục, dù những quy định này sẽ giúp tăng chất lượng đầu vào của thí sinh ngành sư phạm, nhưng ít nhiều gây khó cho các đơn vị trong công tác tuyển sinh do nhu cầu thị trường lao động các ngành sư phạm đang khó khăn nên thí sinh giỏi sẽ phải “suy nghĩ lại”.

PGS. TS. Huỳnh Văn Chương thừa nhận, nếu không có phương án giải quyết yếu tố việc làm sau ra trường thì chắc chắn các đơn vị đào tạo sư phạm sẽ khó thu hút được thí sinh. Để giải quyết nỗi lo này, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế đang liên kết với Sở GD&ĐT các tỉnh cũng như các đơn vị bên ngoài, kể cả các doanh nghiệp để tìm cơ hội việc làm cho sinh viên. Nhà trường cũng đang xây dựng các phương án nâng cao chất lượng giáo dục và thương hiệu để tạo ra lợi thế. “Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế là một trong ba đơn vị đào tạo sư phạm lớn của cả nước, đã có thương hiệu và khẳng định vị thế qua các xếp hạng nhóm trường sư phạm vì thế có thuận lợi. Thời gian tới, sẽ có những giải pháp để nâng tầm hơn nữa”, ông Chương cho biết.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế, một hướng giải pháp nữa của nhà trường là sẽ đa dạng chuẩn đầu ra cho sinh viên, nghĩa là sinh viên tốt nghiệp không chỉ làm giáo viên mà có thể làm nhiều công việc khác có liên quan. Nhà trường sẽ tìm thêm nhiều nguồn học bổng cho sinh viên, trong đó có các học bổng cho các sinh viên đạt kết quả học tập tốt, học bổng sinh viên nghèo vượt khó, học bổng cho sinh viên đạt các giải thưởng học tập và nghiên cứu khoa học...

ĐH Huế và Trường ĐH Sư phạm cũng đang đẩy mạnh hoạt động tư vấn, quảng bá tuyển sinh, đồng thời tận dụng mối quan hệ với các trường THPT trên địa bàn các tỉnh, thành khu vực miền Trung để thúc đẩy hướng nghiệp cho học sinh, qua đó thu hút thí sinh chọn các ngành học của trường.

Bài, ảnh: Hữu Phúc