Thứ bảy, 27/02/2021 | 12:00 AM

Hướng đến thương hiệu quốc gia

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học Huế


Đó là khẳng định của PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học (ĐH) Huế khi nói về xu hướng đào tạo và phát triển ngành nghề tại các cơ sở giáo dục thuộc ĐH Huế trong mùa tuyển sinh năm nay và những năm tới.
 

Theo PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, đào tạo ngành nghề phụ thuộc nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Những thay đổi cũng theo định hướng tái cấu trúc ngành nghề mà ĐH Huế đang xây dựng để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Ngành nghề tuyển sinh năm nay có gì mới, thưa PGS?

Năm nay, ĐH Huế tuyển sinh 13.150 chỉ tiêu của 136 ngành; mở mới đến nay 12 ngành và dự kiến mở thêm 7 ngành mới nữa tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế; tạm dừng 8 ngành khó tuyển sinh 3 năm qua. Tổng các ngành mới dự kiến khoảng 800 chỉ tiêu, mỗi ngành khoảng 50 chỉ tiêu để đào tạo năm đầu, vừa đảm bảo chất lượng, vừa nắm tình hình chung.

Các ngành mới mở tập trung hướng kỹ thuật và ứng dụng giúp sinh viên ra trường dễ tiếp cận doanh nghiệp, đặc biệt ở Trường ĐH Khoa học, Nông lâm và Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị. Nhóm ngành thứ hai ở khối sư phạm để đón đầu chương trình đào tạo giáo viên dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là các chương trình đào tạo liên ngành, được Bộ GD&ĐT cho phép thí điểm, như địa lý - lịch sử, giáo dục âm nhạc, giáo dục công dân, giáo dục pháp luật… một số ngành phát triển theo hướng kỹ thuật trong sư phạm.

Thứ ba là, nhóm ngành đào tạo do nước ngoài cấp bằng. ĐH Huế trực tiếp quản lý thông qua Khoa Quốc tế (được thành lập trên cơ sở Trung tâm đào tạo Quốc tế), có 2 ngành mới là an toàn thông tin và quản trị kinh doanh. Lâu nay, sinh viên muốn học những ngành quốc tế phải đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Khi ĐH Huế mở ra những ngành trên, sẽ hạn chế khó khăn đi xa và chi phí lớn. Bằng do ĐH Phần Lan và ĐH của Thái Lan cấp, đó là những trường uy tín có xếp hạng quốc tế cao.

ĐH Huế cũng phát triển thêm nhóm ngành đào tạo theo cơ chế đặc thù. Năm nay, có thêm hai ngành là du lịch và kỹ thuật phần mềm. Các ngành đặc thù có ít nhất 40% thời gian đào tạo với doanh nghiệp và gắn với doanh nghiệp.

Số lượng ngành lớn là thuận lợi nhưng cũng có những hạn chế, PGS nghĩ sao về vấn đề này?

Thí sinh đọc tờ rơi và trao đổi thông tin tuyển sinh ĐH Huế trong năm 2019​

Cả nước có khoảng 200 ngành thì ĐH Huế có 136 ngành. Số liệu dự án điều tra về chiến lược quy hoạch mạng lưới các trường ĐH đánh giá ĐH Huế là ĐH có đầy đủ nhóm ngành đào tạo, lĩnh vực kinh tế - xã hội: nghệ thuật, nông lâm ngư, y dược, giáo dục thể chất… ngoại trừ các ngành đặc thù về công an, quân đội.

Đa ngành tạo nhiều thuận lợi, đa dạng ngành nghề cho thí sinh lựa chọn. Thí sinh cũng có thể học hai bằng, chẳng hạn ngoại ngữ + luật, luật + nông lâm, nông lâm + kinh tế… Chuẩn đầu ra của sinh viên sẽ tốt hơn nhờ đa ngành. Ngoài ra, việc dùng chung cơ sở vật chất sẽ thuận lợi hơn.

Nói như thế không phải không có hạn chế. Đa ngành thì tính tập trung chiều sâu bị loãng, nên chiến lược của ĐH Huế là mỗi trường chọn 2 - 3 ngành lớn để tập trung phát triển chiều sâu, tạo thương hiệu lớn, đó là các ngành có nhu cầu xã hội cao, hợp tác doanh nghiệp lớn, hợp tác quốc tế, đội ngũ cán bộ giảng dạy chất lượng, có chuyên gia đầu ngành. Các ngành này chất lượng phải ngang tầm quốc tế, có thể thu hút sinh viên quốc tế đến học và đào tạo được song ngữ.

Các ngành thương hiệu phải có tiếng thực sự. Chẳng hạn, khi nói đến Trường ĐH Nông lâm, phải có những ngành “hot” để thí sinh nghĩ rằng chọn nông lâm thì nên học tại ĐH Huế mà không phải nơi khác. Các ngành luật hiện nay Huế “độc quyền” tại miền Trung, song phải làm thế nào để thí sinh không có ý nghĩ đến Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh để học.

Dù đa phần các ngành hiện đang đào tạo tốt, song chưa nổi lắm, tức là chưa tạo được ngành thương hiệu như kỳ vọng và cạnh tranh được toàn quốc để thí sinh lựa chọn ưu tiên vào ĐH Huế trừ các ngành y dược đang có nhiều lợi thế nổi trội và độc tôn ở miền Trung và Tây Nguyên.

Cơ sở nào để xây dựng những ngành có chiều sâu và thương hiệu, thưa PGS?

Toàn ĐH Huế có 136 ngành nhưng có đến 12 cơ sở đào tạo. Nếu chia ra thì số lượng ngành nghề mỗi đơn vị đào tạo không nhiều. Trong nước, có những cơ sở đào tạo tới 30 ngành. So sánh để thấy số ngành tại các trường không quá lớn và không loãng.

Hiện, ĐH Huế có những ngành chất lượng cao, các ngành tiên tiến. Vấn đề là cần tập trung để tạo thương hiệu lớn. Chúng tôi quan tâm nhất là tập trung kiểm định để cải tiến chất lượng có lợi và tốt nhất cho người học và đơn vị sử dụng lao động. Năm 2019 sẽ triển khai kiểm định chất lượng dự kiến cho khoảng 20 - 25 chương trình đào tạo (ngành).

Các ngành mới chủ yếu tập trung nhóm về kỹ thuật, công nghệ cách mạng 4.0, nhóm ngành đặc thù và các ngành sư phạm đang cần. Các ngành đó theo định hướng và phù hợp với nhu cầu mà tỉnh và miền Trung đang cần. Đó là nền tảng để xây dựng, phát triển các ngành thương hiệu theo nhu cầu xã hội.

Việc nâng tầm thương hiệu một số ngành liệu có ảnh hưởng đến các ngành còn lại?

Hiển nhiên các ngành còn lại đang phát triển tốt, nhưng các trường cần có những ngành bứt phá lên. Ví dụ cả ngàn sinh viên có 1 vài em xuất chúng, thành đạt cao sẽ kéo lên và tạo thương hiệu mạnh.

Trong giáo dục cần có những điều chỉnh. Sự điều chỉnh của ĐH Huế thực ra là sự thích ứng chung của thế giới. Nghiên cứu cơ bản vẫn tồn tại, nhưng ở góc độ lát cắt, tức là mức độ vừa phải, còn phải chuyển qua thích ứng công nghệ (trong thời đại 4.0) trên nền tảng khoa học cơ bản, sinh viên ra trường làm được ngay.

Hiện, có khó khăn với các ngành có thể phát triển theo chiều sâu, thương hiệu, thưa PGS?

Cần nhất là con người. Đào tạo các chuyên gia đầu ngành rất quan trọng, nhất là các ngành học mới, đào tạo cho chuyên gia về dạy sinh viên thì cần những chuyên gia rất giỏi trong nước và quốc tế cùng tham gia phối hợp. Đơn cử, để đào tạo được các chuyên gia về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, ĐH Huế cần mời các chuyên gia trong và ngoài nước đã thành danh về lĩnh vực này tham gia đào tạo lớp TOT về trí tuệ nhân tạo cho đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu của ĐH Huế. Nhìn chung, khó khăn đó có thể giải quyết được.

Khi đào tạo các ngành thương hiệu thì cơ sở vật chất phải xứng tầm, liệu ĐH Huế có gặp rào cản vấn đề này không, thưa PGS?

Cơ sở vật chất hiện nay của ĐH Huế không phải thiếu. Những năm qua đầu tư chiều sâu rất lớn, với nhiều dự án về công nghệ thông tin, vật lý, công nghệ thực phẩm, dự án giáo dục ĐH các giai đoạn… ĐH Huế đều được hưởng thụ và tham gia. Vấn đề là kết nối cơ sở vật chất dùng chung để cán bộ, sinh viên sử dụng được, tránh sự rời rạc. Hiện nay, ĐH Huế đang tái cầu trúc về mọi mặt, đề án đang đi vào giai đoạn hoàn thành và thông qua, trong đó có tái cấu trúc về cơ sở vật chất…

Sự thay đổi ngành nghề năm nay lớn và được ĐH Huế tính toán kỹ. Liệu những năm tới, có giữ được sự ổn định về ngành nghề?

Đào tạo hiện nay thay đổi từng ngày, từng giờ nên rất khó khẳng định, do công nghệ 4.0 và xu hướng xã hội.

Ngành nghề cũng phải tiếp tục thay đổi phù hợp xu hướng thế giới. Song dù thay đổi thế nào cũng phải giữ được truyền thống văn hóa, đặc thù nền giáo dục của Việt Nam, làm sao công nghệ phải kết hợp được yếu tố nhân văn, văn hóa, truyền thống dân tộc. Tất nhiên, ĐH Huế sẽ nghiên cứu để giữ sự ổn định ngành nghề, chỉ điều chỉnh khi các ngành nghề buộc phải thay đổi theo những điều kiện xã hội.

Xin cảm ơn PGS!

HỮU PHÚC (thực hiện)