Chủ nhật, 10/01/2021 | 12:00 AM

Tuyển sinh đại học nhóm ngành năng khiếu: Đổi mới để thu hút thí sinh

Thí sinh làm hồ sơ ở Khoa Giáo dục Thể chất mùa tuyển sinh 2017


Năm 2018, tuyển sinh đại học (ĐH) nhóm ngành năng khiếu có nhiều thay đổi. Các cơ sở giáo dục cũng triển khai giải pháp mới để thu hút thí sinh. 
 

Nhiều thay đổi

Theo đề án tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2018 được ĐH Huế ban hành cuối tháng 3/2018, năm nay ĐH Huế tuyển 515 chỉ tiêu (CT) cho khối các ngành năng khiếu, trong đó Khoa Giáo dục Thể chất có 70 chỉ tiêu của 2 ngành là giáo dục thể chất (45 CT) và giáo dục quốc phòng – an ninh (25 CT); Trường ĐH Nghệ thuật có 120 CT của 6 ngành là sư phạm mỹ thuật (15 CT), hội họa (10 CT), thiết kế đồ họa (40 CT), thiết kế thời trang (20 CT), thiết kế nội thất (30 CT), điêu khắc (5 CT); Trường ĐH Sư phạm có 165 CT của ngành giáo dục mầm non và Trường ĐH Khoa học có 160 CT của ngành kiến trúc. Năm nay, CT ở Khoa Giáo dục Thể chất và Trường ĐH Nghệ thuật có giảm nhẹ do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) “siết” CT các ngành sư phạm (kể cả các ngành năng khiếu khối sư phạm); các ngành giáo dục mầm non, kiến trúc có tăng nhẹ do nhu cầu xã hội các ngành này cao.

Thời gian làm bài thi các môn năng khiếu (tượng tròn, phù điêu, hình họa, trang trí) sẽ giảm từ 9 tiếng xuống 4 tiếng đồng hồ và sẽ không thi vẽ mẫu người. Riêng ở Khoa Giáo dục Thể chất, kỳ thi năm nay giảm bớt nội dung chạy luồng cọc; chỉ áp dụng hai nội dung chạy 100m và bật xa tại chỗ. Sự thay đổi này phù hợp với sự điều chỉnh chung của các đơn vị tuyển sinh các ngành năng khiếu trong cả nước.

Hệ số các môn thi một số ngành cũng có sự thay đổi. Trước đây, ở ngành kiến trúc, môn toán được nhân hệ số 1,5 và môn vẽ mỹ thuật nhân hệ số 2 thì hiện nay điều chỉnh môn toán không nhân hệ số và môn vẽ mỹ thuật được nhân hệ số 1,5. Ở Khoa Giáo dục Thể chất, điểm môn thi năng khiếu sẽ nhân hệ số 2 thay vì không nhân hệ số như trước đây. TS. Hoàng Tịnh Bảo, Thường trực Ban Tư vấn – Quảng bá tuyển sinh ĐH Huế cho biết, việc nhân hệ số thể hiện tính quan trọng của môn thi năng khiếu. Hệ số được nhân do các cơ sở đào tạo quyết định tùy theo tình hình tuyển sinh thực tế của đơn vị mình với mục đích tối ưu hóa sở trường của thí sinh.

Phương thức xét tuyển ở Khoa Giáo dục Thể chất cũng có sự điều chỉnh là không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ kết hợp thi năng khiếu mà chỉ dựa vào kết quả thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia kết hợp với thi năng khiếu. Theo ông Bảo, lý do là năm nay Bộ GD&ĐT nâng cao điều kiện xét tuyển cho khối sư phạm (ngành giáo dục thể chất thuộc ngành năng khiếu khối sư phạm), đó là thí sinh phải đạt học lực loại khá trở lên trong 3 năm học ở bậc THPT, đây là điều kiện khó đối với thí sinh dự xét tuyển các ngành năng khiếu. Riêng các đơn vị thành viên khác của ĐH Huế vẫn áp dụng phương thức xét tuyển như năm 2017.

Thu hút thí sinh

Năm nay, ĐH Huế cùng các cơ sở giáo dục thành viên triển khai nhiều giải pháp mới để thu hút người học. Các đơn vị đã trực tiếp làm việc với các bộ môn ở Sở GD&ĐT các tỉnh để trao đổi, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. “Đây là giải pháp lần đầu tiên được áp dụng. Năm nay, chúng tôi đã kết nối và làm việc với các sở GD&ĐT cùng hơn 70 trường THPT trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi”, TS. Nguyễn Gắng, Khoa trưởng Khoa Giáo dục Thể chất nói.

PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế chia sẻ, điểm đặc biệt năm nay là công tác quảng bá tuyển sinh được triển khai sớm, nhất là thông tin về kế hoạch tuyển sinh được gửi về cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT các tỉnh, các trường THPT trên toàn quốc nhanh chóng và đầy đủ. Có được thông tin sớm giúp thí sinh có nhiều thời gian để suy nghĩ về quyết định chọn trường, chọn ngành.

Trong công tác tư vấn, quảng bá tuyển sinh – hướng nghiệp, các đơn vị đào tạo năng khiếu cũng áp dụng hình thức mới, đưa hình ảnh gần gũi nhất của ngành học hoặc của đơn vị mình đến với thí sinh. Điển hình như cán bộ phụ trách làm tuyển sinh Khoa Giáo dục Thể chất chọn các trang phục đặc trưng để tiếp cận và giới thiệu ngành học cho thí sinh hay Trường ĐH Nghệ thuật đưa các sản phẩm nghệ thuật của cán bộ, sinh viên trường đến gian hàng tư vấn tuyển sinh để thu hút sự chú ý của người học. “Những ngày hội tư vấn tuyển sinh vừa qua, hình thức mới lạ này thực sự thu hút sự quan tâm của thí sinh. Họ tới gian hàng của các đơn vị để tìm hiểu và đó là cơ hội tốt để các cơ sở giáo dục chuyển tải thông tin ngành học cùng các thông tin tuyển sinh của đơn vị mình”, ông Chương nói.

Lâu dài, ĐH Huế đang triển khai các hoạt động tạo hướng khởi nghiệp và đào tạo các kỹ năng để sinh viên học các ngành năng khiếu có việc làm tốt hơn và đề xuất Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan liên quan xem xét, có cơ chế đặc thù để thu hút thí sinh chọn học các ngành năng khiếu.

Bài, ảnh: Hữu Phúc