Thứ sáu, 08/01/2021 | 12:00 AM

Tuyển sinh khối Sư phạm 2018: Hướng đến chất lượng đầu ra

Đợt tuyển sinh năm 2018, Đại học Huế (ĐHH) mở thêm các mã ngành mới và có nhiều thay đổi trong cách thức tuyển sinh sư phạm, hướng đến nâng cao chất lượng đầu ra, đáp ứng yêu cầu xã hội.


Thay đổi

TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm (ĐHSP) – Đại học Huế, cho biết, trường xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018 tại cụm thi xét tuyển cao đẳng, đại học theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Những ngành có quy định môn chính thì môn chính có hệ số 2 và điều kiện xét tuyển là điểm môn chính chưa nhân hệ số phải từ 5 điểm trở lên. Về điều kiện xét tuyển vào các ngành đào tạo của Trường ĐHSP là xếp loại hạnh kiểm của 3 năm học lớp 10, 11 và 12 phải đạt từ loại khá trở lên (căn cứ theo học bạ THPT). Những thí sinh có giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được tuyển thẳng. Riêng với hình thức xét tuyển học bạ  THPT, trường yêu cầu thí sinh có 3 năm học lớp 10, 11 và 12 đều phải đạt học lực loại giỏi trở lên.

Bộ GD&ĐT sẽ giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo sư phạm, đảm bảo đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng. “Trường ĐHSP có nhiều thay đổi trong cách thức tuyển sinh năm nay theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình phổ thông mới”, TS. Lê Anh Phương nói. Trường bỏ mã ngành sư phạm công nghiệp – nông nghiệp, mở thêm hai mã ngành mới là sư phạm công nghệ và sư phạm âm nhạc, phục vụ cho chương trình sách giáo khoa THPT mới, đảm bảo chương trình đào tạo sau khi sinh viên ra trường vào năm 2022.

Công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh được thực hiện bằng nhiều hình thức

Sắp tới, Trường ĐHSP mở thêm lớp đào tạo môn chuyên ngành bằng tiếng Anh cho mã ngành tiểu học. Trước đó, có các mã ngành sư phạm toán, lý, hóa, sinh, tin đào tạo môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, mỗi ngành chọn 30 sinh viên để đào tạo. Điều này giúp sinh viên không chỉ vững chuyên môn mà có cả trình độ tiếng Anh, tạo điều kiện cho sinh viên hội nhập quốc tế sau khi ra trường, nâng cao cơ hội tìm kiếm việc làm. TS. Hoàng Tịnh Bảo, Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Huế, nhận xét: “SP là ngành đặc thù, năm nay quy mô tuyển sinh có thể nhỏ hơn nhưng đó không hẳn là khó khăn. Thắt chặt đầu vào thì có thể tuyển được người giỏi hơn”.

Nâng cao chất lượng

Mùa tuyển sinh năm nay, công tác chuẩn bị tuyển sinh khối sư phạm được tổ chức kỹ lưỡng và bài bản. Kế hoạch tư vấn tuyển sinh được thực hiện mở rộng tại một số địa phương (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi). Dùng nhiều cách thức để truyền thông, như mạng xã hội, trang website tuyển sinh chính thống; đồng thời, đến các trường THPT để tư vấn trực tiếp cho học sinh, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp của mình dựa trên năng lực của thí sinh.

Theo TS. Lê Anh Phương, Trường ĐHSP đưa ra nhiều chính sách để thu hút và khuyến khích học tập cho sinh viên khi vào trường, như học bổng, tổ chức thực tập, thực tế trong ngoài nước (như Thái Lan) giúp sinh viên không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn mà còn nâng cao trình độ ngoại ngữ, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, hỗ trợ tốt các dịch vụ cho sinh viên, giúp sinh viên phát huy năng lực và khả năng sáng tạo hành động. Trường ĐHSP có Trung tâm Phát triển năng lực sư phạm và Trung tâm Tư vấn tâm lý và giáo dục, phục vụ việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên, là một trong những nguồn cung cấp kiến thức về kỹ năng cho sinh viên sau khi ra trường đáp ứng nhu cầu việc làm. Trường đã ký kết với các đơn vị để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các sở.

Những năm gần đây, ĐHH đẩy mạnh việc khởi nghiệp sáng tạo trong giáo dục cho sinh viên thông qua các dự án về giáo dục, kết nối doanh nghiệp, các hệ thống giáo dục trực tuyến và tư vấn. TS. Lê Anh Phương cho biết thêm: “Khảo sát năm 2016 – 2017, tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp Trường ĐHSP trên 87%, trong đó có 60% làm đúng chuyên ngành học. Đó là một trong những nguồn thu hút thí sinh vào trường. Trường luôn thay đổi chương trình đào tạo, vừa đáp ứng đổi mới chương trình sách giáo khoa sắp tới, vừa đáp ứng được yêu cầu xã hội đối với sinh viên sau khi ra trường, không những đi dạy tốt mà còn làm được những ngành nghề liên quan”.

Bài, ảnh: Phước Ly (Báo TTH)