Khởi nghiệp cho sinh viên
Chú trọng chất lượng
Cuối tháng 1/2018, ĐH Huế tổ chức chương trình Kick-off về khởi nghiệp, đây được xem bước khởi động trong việc giới thiệu các hoạt động khởi nghiệp năm 2018 đến sinh viên và ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với đại diện các sở, ban, ngành và nhiều doanh nghiệp.
Năm 2018, những ý tưởng khởi nghiệp tốt sẽ được đầu tư để hình thành sản phẩm (Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Khoa học nghiên cứu trong phòng nuôi cấy mô)
Năm nay, ĐH Huế tổ chức 16 hoạt động về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên, xuyên suốt từ tháng 1 – 11/2018; trong đó, có các hoạt động, như: tổ chức đào tạo và thực hành cho nhóm 30 – 35 sinh viên về khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; tổ chức các ngày hội tuyển dụng, ngày hội việc làm; talk show khởi nghiệp; phát triển các dự án khởi nghiệp khả thi, các cuộc thi khởi nghiệp…
Theo PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, các hoạt động khởi nghiệp này được thiết kế theo trình tự từ giới thiệu đến khơi gợi khát vọng, tạo động lực thúc đẩy sinh viên tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đào tạo kiến thức về khởi nghiệp cho giảng viên chuyên ngành của các đơn vị thành viên thuộc ĐH Huế; bồi dưỡng kiến thức, hình thành kỹ năng, hỗ trợ sinh viên phát triển ý tưởng, kết nối doanh nghiệp và cuối cùng là tìm kiếm nguồn vốn đầu tư thông qua các cuộc thi ý tưởng kinh doanh các cấp. Lộ trình các bước tổ chức của chương trình đã nghiên cứu kỹ và qua đó, giúp sinh viên tiếp cận với con đường khởi nghiệp tốt hơn.
Để tạo hiệu quả, ĐH Huế đề ra một kế hoạch tổng thể, phối hợp giữa Ban CTHSSV, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ sinh viên của ĐH Huế và các đơn vị trực thuộc, phân công trách nhiệm cho từng đơn vị. Mỗi hoạt động đều xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó đề ra các mục tiêu phải đạt được và xem đó là thước đo mức độ thành công.
“Chúng tôi đặt mục tiêu có 10 nhóm sinh viên tham gia các hoạt động khởi nghiệp, trong đó ít nhất 3 nhóm đạt chất lượng tốt, có sản phẩm để ươm tạo và đầu ra. Ngoài ra, trong năm nay sẽ tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp cho sinh viên, dự kiến vào tháng 10/2018 hoạt động. Đây là nơi để các nhóm khởi nghiệp có không gian làm việc chung, trao đổi kinh nghiệm, ươm tạo và giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp”, ông Toản nói.
Thông tin từ lãnh đạo Đại học Huế cho thấy, vấn đề khởi nghiệp cho sinh viên không dễ thành công ngay mà phải có một quá trình, vì vậy, từng nội dung, hoạt động, cách làm phải thật sự chắc từng bước một. Trong chiến lược giúp sinh viên khởi nghiệp, không chỉ tạo ra các nhóm sinh viên khởi nghiệp trong cùng trường mà còn kết hợp giữa các trường, để tận dụng thế mạnh của sinh viên các ngành khác nhau, đem lại hiệu quả cao nhất.
Ngay sau chương trình Kick-off về khởi nghiệp, nhiều sinh viên bày tỏ niềm tin về chương trình khởi nghiệp của ĐH Huế. Nguyễn Nam Cường, sinh viên năm 4, Trường ĐH Nông lâm chia sẻ: "Trước đây em vẫn chưa xác định được định hướng khởi nghiệp nhưng sau chương trình em đã hiểu ra được nhiều vấn đề. Bắt đầu từ nay, em sẽ vạch ra kế hoạch và tìm hiểu thêm đồng thời tận dụng các chương trình của ĐH Huế và nhà trường tổ chức để có hướng đi riêng về khởi nghiệp cho mình".
Đầu tư kinh phí, tăng cường hợp tác doanh nghiệp
Để thực hiện hoạt động khởi nghiệp, ĐH Huế kêu gọi sự đồng hành của dự án khởi nghiệp do cộng đồng Pháp ngữ tài trợ 8,5 nghìn Euro. ĐH Huế cũng dành 300 triệu đồng đối ứng cho các hoạt động và đang kêu gọi thêm các đơn vị hỗ trợ thêm để phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, trong đó, doanh nghiệp là một trong những nguồn để vận động.
Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp cho sinh viên ĐH Huế
ĐH Huế cùng các đơn vị thành viên đang tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp nhằm phối hợp tổ chức các chương trình thực hành tại doanh nghiệp, ngày hội tuyển dụng, diễn đàn khởi nghiệp… Ông Toản cho biết, ĐH Huế đang hợp tác chặt chẽ với khoảng 10 doanh nghiệp lớn như Vinpearl, Công ty TNHH Phát triển chăn nuôi Peter Hand Hà Nội, Công ty cổ phần chăn nuôi CP. Việt Nam... cùng nhiều doanh nhiều khác trong cả nước. Trong kế hoạch khởi nghiệp lần này, ĐH Huế cũng sẽ tăng cường hợp tác, xây dựng cơ chế thương mại hóa kết nối ĐH Huế và doanh nghiệp, trong đó sẽ kết nối các doanh nghiệp, quỹ/chương trình để hỗ trợ khởi nghiệp và thúc đẩy các chương trình hỗ trợ khác.
Ths. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm chia sẻ, nhà trường sẽ tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp và mời các doanh nghiệp về góp ý cũng như kêu gọi đầu tư cho các ý tưởng khởi nghiệp tốt để hình thành các sản phẩm khởi nghiệp thật sự.
Giai đoạn đầu năm 2018, vấn đề sẽ được triển khai mạnh là phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo kỹ năng, tập huấn khởi nghiệp và định hướng nghề nghiệp tương lai cho sinh viên thông qua các buổi giao lưu với doanh nghiệp, doanh nhân.
Tại chương trình Kick-off về khởi nghiệp, ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khởi nghiệp là câu chuyện rất dài, liên quan đến nhiều vấn đề và không dễ thành công nên cần sự nỗ lực rất lớn từ các phía. Kế hoạch khởi nghiệp của ĐH Huế năm 2018 là thật sự ấn tượng với khối lượng công việc lớn. Nếu như thực hiện được kế hoạch này, sẽ tạo nền tảng rất tốt cho hoạt động khởi nghiệp về sau. |
Bài, ảnh: Hữu Phúc
Tin liên quan
- Đam mê khởi nghiệp cần được tiếp sức (11/01/2021)
- Gần 300 ứng viên tham gia ngày hội tuyển dụng ở Khoa Du lịch (09/01/2021)
- Trường ĐH Khoa học: 85,76% sinh viên tốt nghiệp năm 2016 tìm được việc làm (23/12/2020)
- Thương hiệu không chỉ là những con số (13/12/2020)
- Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ sinh viên Đại học Huế (19/10/2020)