Chủ nhật, 13/12/2020 | 12:00 AM

Thương hiệu không chỉ là những con số

TS. Hoàng Kim Toản khẳng định, tỷ lệ sinh viên có việc làm là “thước đo” thương hiệu của mọi cơ sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Với ĐH Huế, đây là những con số thật, dựa trên phản hồi của chính sinh viên. Từ kết quả khảo sát, ĐH Huế có cái nhìn tổng quát về tất cả các ngành đào tạo, để thấy những mặt được và chưa được nhằm xây dựng kế hoạch cho thời gian tới.

Cụ thể các con số khảo sát thế nào thưa ông?

Chúng tôi tiến hành khảo sát sinh viên tốt nghiệp năm 2016, thời điểm khảo sát là sau 1 năm sinh viên tốt nghiệp. Theo đó, tỷ lệ bình quân sinh viên của ĐH Huế ra trường có việc làm là 89,73%; trong đó, nhiều trường có tỷ lệ sinh tốt nghiệp có việc làm lớn hơn 90%, như: Trường ĐH Y Dược (95,16%), Trường ĐH Ngoại ngữ (90,89%), Trường ĐH Nông Lâm (90,49%), Khoa Giáo dục Thể chất (90,70%)…; trường thấp nhất là ĐH Luật cũng đạt 71,34%.

Quá trình khảo sát tổng hợp, chúng tôi tiến hành trên từng ngành nghề đào tạo, kết quả cho thấy ít ngành nghề có tỷ lệ sinh viên có việc làm dưới 70%, đây là con số đáng mừng khi ĐH Huế đào tạo hơn 100 ngành trình độ ĐH. Điều này chứng tỏ, sinh viên ĐH Huế ra trường có sức hút đối với các doanh nghiệp và đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Sinh viên các ngành cơ khí, công nghệ ra trường có việc làm tương đối cao (Trong ảnh, sinh viên khoa cơ khí - công nghệ, Trường ĐH Nông lâm tại xưởng thực hành)

Lâu nay, vấn đề việc làm cho sinh viên là trăn trở lớn của tất cả các cơ sở giáo dục ĐH và tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp đang ở mức cao. Số liệu vừa có được liệu có thuyết phục?

Xin khẳng định đây là con số thật, do chính người học phản hồi và có minh chứng cụ thể. Sau khi hoàn thành việc khảo sát, chúng tôi tổng hợp và gửi cơ sở dữ liệu về Bộ GD&ĐT, trên cơ sở dữ liệu đó Bộ có thể kiểm tra, thẩm định nếu cần.

ĐH Huế đã tiến hành khảo sát 7.663 sinh viên trên hơn 8.119 sinh viên tốt nghiệp năm 2016, nghĩa là gần như khảo sát toàn bộ sinh viên tốt nghiệp; chỉ có 356 sinh viên không thể khảo sát do những nguyên nhân khách quan mà không liên lạc được. Tuy nhiên, trong số liệu, có một vấn đề cần phải nói rõ ở đây là kết quả này được tính là tỷ lệ sinh viên có việc làm trên tổng số sinh viên có phản hồi. Nghĩa là, sẽ có một bộ phận sinh viên không phản hồi. Đơn cử như tại Trường ĐH Kinh tế, tổng số sinh viên được khảo sát là 1.116 em nhưng số sinh viên phản hồi là 464 em. Trong kết quả phản hồi sẽ nói rõ tình trạng việc làm. Sai số về số liệu có thể xảy ra ở chỗ, những sinh viên chưa có việc làm có thể chưa hoặc không phản hồi và những sinh viên có việc làm phản hồi cao. Tất nhiên, đây là vấn đề rất khó bởi không thể buộc tất cả sinh viên phải phản hồi.

Năm 2016, ĐH Huế cũng có khảo sát liên quan, nhưng số liệu thời điểm đó chưa thực sự chuẩn xác do cách thức tiến hành chưa chặt chẽ. Số liệu sinh viên tốt nghiệp năm nay có việc làm cao, người ta vẫn có thể lo ngại vấn đề này?

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện việc khảo sát. Thời điểm đó, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu các đơn vị tiến hành khảo sát từ trong vòng 2 tháng (từ tháng 10 đến tháng 12). Do thời gian khảo sát hơi gấp và cách thức tiến hành chưa chặt chẽ dẫn đến kết quả khảo sát chưa thật sự chính xác. Lần này, sai sót ấy không lặp lại.

Từ tháng 7 – 12/2017, ĐH Huế giao cho Ban Công tác học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục trực thuộc ĐH Huế triển khai khảo sát. Trong đó, ĐH Huế có hai công văn là 876/ĐHH-CTHSSV (ngày 17/7/2017) và 1458/ĐHH-CTHSSV (23/11/2017) của Giám đốc ĐH Huế để chỉ đạo, nhắc nhở các đơn vị thực hiện việc khảo sát.

Với mong muốn có được kết quả khảo sát chính xác nhất, các đơn vị đã sử dụng cơ sở dữ liệu (số điện thoại, email) do sinh viên cung cấp trước khi tốt nghiệp. Trong trường hợp sinh viên thay đổi các thông tin này, chúng tôi đã liên hệ với các em qua các đầu mối là ban cán sự, hội cựu sinh viên và nhiều kênh khác, nhờ đó chúng tôi đã kết nối và tiến hành khảo sát đến 7.663 sinh viên (trên 8.119 sinh viên tốt nghiệp). Quy trình thực hiện của các đơn vị là rất chặt chẽ, khoa học. Do đó, sai số là rất thấp.

Trở lại câu chuyện “thước đo” thương hiệu, những số liệu vừa khảo sát sẽ có giá trị như thế nào?

Việc khảo sát của chúng tôi là thực hiện trách nhiệm của đơn vị đào tạo với xã hội về công bố kết quả tình hình có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đó cũng chính là sự khẳng định uy tín của cơ sở giáo dục.

Kết quả khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm là sự đánh giá về chất lượng và mức độ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Thực tế, người học và phụ huynh bây giờ nhìn nhận, đánh giá một đơn vị đào tạo chất lượng hay không phụ thuộc rất lớn vào tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Vì vậy, khi có số liệu tốt, rõ ràng, uy tín ĐH Huế sẽ tăng lên, đó là điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh và nhiều vấn đề khác.

Từ sau kết quả khảo sát này, ĐH Huế sẽ làm gì để tiếp tục phát triển thương hiệu?

Khảo sát không chỉ để công bố mà là để ĐH Huế nhìn nhận lại chính mình. Trong bức tranh chung về đào tạo, vẫn còn những ngành nghề chưa đáp ứng tốt yêu cầu xã hội và tỷ lệ sinh viên có việc làm chưa cao. Đó là cơ sở để ĐH Huế đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Sau đợt khảo sát năm nay, ĐH Huế còn tiến hành nhiều đợt khác. Xã hội có thể nhìn vào đó để đánh giá. Cũng cần nhấn mạnh, thương hiệu không phải chỉ là những con số mà là việc duy trì chất lượng và phát triển hơn. Khi làm được điều đó thì “hữu xạ tự nhiên hương”, thương hiệu sẽ được khẳng định. Vì lẽ đó, chắc chắn ĐH Huế sẽ có nhiều giải pháp để thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, tiếp tục xây dựng đề án giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp; duy trì những ngành đang có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao và tìm đầu ra đối với những ngành còn thấp.

Số liệu này như là một dự báo về nhu cầu thị trường lao động, tạo cơ sở để ĐH Huế và Bộ GD&ĐT nghiên cứu, phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh và cơ cấu lại ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội. Tất nhiên, ĐH Huế sẽ tận dụng số liệu này để đưa ra kế hoạch tuyển sinh tốt hơn trong những năm tiếp theo, hướng đến mục tiêu tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngày càng cao, góp phần giữ vững thương hiệu.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

HỮU PHÚC (Thực hiện)